Bạn
à? - Đã bao giờ đặt chân lên vùng cao biên giới phía Bắc và các tỉnh miền Trung
vào mùa đông giá rét, để biết thế nào là cái lạnh vùng biên, chui ra từ núi đá - khe
suối - rừng già và gió mùa Đông Bắc, từ phía bên kia chưa ?. Bạn đã lần chứng
kiến cảnh những đứa trẻ miền núi không mũ, không áo, không giày, xúm xít ngồi
quanh đống lửa, tựa chặt vào nhau nhưng vẫn run lập cập, môi xám ngoét và nước
mắt ròng ròng, vì hơi lạnh dưới 10 độ C?.. Bạn đã khi nào phải gạt nước mắt khi
gặp cảnh cha mẹ cuống quýt ấp con vào ngực, để sưởi ấm, nhưng đã quá muộn, bởi
sự sống nhỏ bé, đã bị giá rét cướp đi không ?.. Hình ảnh các em nhỏ tím tái, co
ro với khuôn mặt nứt nẻ, bàn tay lạnh buốt như muốn đóng băng trong khi gió
lạnh vẫn ùa về khiến lòng người chết lặng.
"Chiến dịch Mùa
Đông Ấm được phát động đã lâu. Dù hiểu rất rõ ý nghĩa của hoạt động này, dù là
người viết bài mang mục đích tuyên truyền và vận động quyên góp, nhưng thật sự
mình không mấy mặn mà lắm với chiến dịch này. Mẹ mình bảo: Làm đi con, đây là
việc tốt mà. Vì thế, mình luôn tâm niệm rằng: “mình đang làm việc tốt” mà không
rõ rằng việc tốt của mình có ý nghĩa như thế nào, và không hiểu được ý nghĩa
thật sự của công việc mình đang làm…
Cho đến khi…
Tiền trạm lần 1.
Về đến Kim Quan, Yên Sơn, Tuyên Quang – cái
nơi mà mình sẽ tổ chức chương trình Đông Ấm ở đó, cảm xúc của mình đã thay đổi
hẳn. Xuất phát từ Hà Nội,
vượi qua gần 200 cây số, trong đó phải đến khoảng 30 km là đường đèo chênh
vênh, vắng vẻ. Đường đi hoang sơ và nhỏ bé tí hon, lại lên xuống dốc liên tục
làm mình chóng mặt…
Một yêu cầu của chuyến đi là chúng mình phải có ảnh mang về
để có tư liệu cho chiến dịch lần này. Vì thế, khi đi, ngồi đằng sau xe máy,
mình đã rất chú ý tìm những căn nhà có vẻ lụp xụp và khó khăn ở dọc đường để
chụp ảnh. Nhưng được khoảng 30’ sau, mình thật sự phát hoảng khi thấy độ lụp
xụp của các căn nhà cứ tăng dần. Đến nỗi mình bị rối, không biết liệu đây đã là
vào đến tận cùng xã Kim Quan hay chưa, và liệu còn có bao nhiêu căn nhà lụp xụp
và chênh vênh hơn thế nữa. Những căn nhà lợp lá, be đất, thậm chí còn không kín
gió. Phần mái và phần tường cách nhau một đoạn quá xa, đến nỗi mình cá là nếu
có mưa thì cả căn nhà sẽ bị ướt hết. Trụ sở UBND Xã |
Đến khi chân mình đã có cảm giác tê tê thì đến ủy ban xã. Cũng sơ sài và đơn giản. Một ít bàn ghế, một ít bằng khen treo ở tường, một cái tủ nhỏ, một cái bệ. và không gì nữa cả. Anh bí thư đón chúng mình rất hiền và nhiệt tình. Anh hướng dẫn và làm việc với chúng mình rất kỹ lưỡng và tỉ mỉ…
Ủy ban ngay gần trường
học. Trường cấp 1 và cấp 2 chung nhau một cơ sở. Trời mùa đông, lành lạnh,
chúng mình đã phải mặc áo khoác rồi mà các em học sinh thì vẫn cứ áo sơ mi và
quần vải, đứng ôm nhau và đưa mắt tò mò nhìn chúng mình. Một lúc sau, khi đã
quen hơn, các em lại gần, chơi đùa và để cho các anh chị chụp ảnh. Nhìn nụ cười
của các em hồn nhiên và đáng yêu vô cùng.
Các em nhỏ cùng ba mẹ ở các trại nhỏ trong đồi |
Chiều. Đi thực tế.
Đường đi còn kinh khủng hơn lúc sáng. Nó không những quanh co mà còn nhỏ xíu.
Không những nhỏ xíu mà còn lầy lội bùn đất. Con đường chỉ đủ để một cái xe máy
đi. Chính xác là chỉ đủ cho một cái bánh xe máy. Ở đây thậm chí còn chưa có
điện. Nhà ở cũng sơ sài. Vào trong nhà mà mình nghẹn lời vì thấy quá thiếu
thốn. Chính xác hơn là không thấy có gì hết ngoài một cái bàn, 2 cái ghế nhỏ và
một cái giường cũng tí hon. Ông cụ ở trong nhà hồ hởi lắm, mang tất cả bằng
khen thời kháng chiến ra khoe “anh cán bộ”. “Anh cán bộ” nhìn này, hồi trước
tôi chỉ huy cả 12 người đấy, có nghĩa là một tiểu đội đấy”. Họ sống hồn nhiên
và vô tư, có lẽ họ không biết rằng họ đang sống trong thiếu thốn, có lẽ họ chưa
bao giờ được tiếp cận những đầy đủ tiện nghi của cuộc sống hiện đại như chúng
mình, nên họ không biết rằng họ thiếu… Hoặc cũng có thể là mình đang suy luận
quá nhiều.
Tiếp tục đi sâu vào
những vùng hẻo lánh của xã, mình thấy cảm xúc của mình đang bị thay đổi theo
con đường đi. Những cái chòi hay cái lều gì đấy để sấy sắn, những con người
phong phanh áo mỏng miệt mài làm việc, đào đất, hay làm gì gì đó trên đống sắn.
Lam lũ và tất bật. Có cảnh 3 đứa trẻ lem nhem đang ngồi chơi đất, chân trần, áo
mỏng và cũ, bên cạnh chắc là người bà đang nhìn chúng nghịch và cười. Người bà
cũng chân đất và khoác trên mình chiếc áo khoác sờn vải- đồng phục của một
trường cấp 2, cấp 3 nào đó. Mình chụp ảnh, cả bốn người ngơ ngác nhìn. Bỗng
thấy nhói trong lòng. Thương. Thật sự. Một số người khác ngồi vừa vui vẻ cười
nói vừa dỡ lạc. Lạc mất mùa…
Ngồi sau xe, mình liên
tục đưa máy lên chụp ảnh bất cứ thứ gì nhìn thấy, vì mình cho rằng tất cả những
cảnh ấy đều là bằng chứng hùng hồn cho sự khó khăn nơi đây, là tư liệu quan
trọng và thuyết phục nhất để khiến mọi người cảm thông và ủng hộ. Thật sự mà
nói, chuyến đi đã cho mình biết thêm rất nhiều thứ. Rằng không phải ai cũng may
mắn như mình. Không phải ai cũng có đủ cơm ăn áo mặc hàng ngày như mình. Không
phải ai cũng được học hành đầy đủ như mình. Còn rất nhiều người khổ. Họ sống
trong thiếu thốn. Họ sống chung với lạnh giá vào mùa đông khắc nghiệt. Họ bắt
buộc phải thích nghi để tồn tại. Họ hồn nhiên. Và cũng đáng thương nữa…
Đi tiền trạm về, mình
mới thật sự thấm thía được ý nghĩa cao cả của chiến dịch Mùa Đông Ấm lần này.
Chúng mình đi quyên góp quần áo cũ, chăn cũ, khăn cũ, … cho họ. Với chúng mình,
chúng chỉ là đồ cũ thôi. Nhưng khi đến tay họ, những người dân Kim Quan, thì đó
là một món quà lớn. Một món quà đầy ắp tình thương và tấm lòng của tất cả những
người con của đất nước. Chúng mình sẽ không chỉ cho họ những bộ quần áo cũ hay
chăn ấm đơn thuần, mà chúng mình còn mang đến cho họ một mùa đông ấm áp hơn,
giúp cho họ có thể cảm nhận những thứ có thể làm cho họ đỡ run rẩy vì lạnh,
những thứ đơn giản thôi, nhưng với họ, có thể đó là cả một điều kỳ diệu.
Hãy cùng chung tay, bạn
nhé, những việc làm hết sức đơn giản của bạn trong chiến dịch này là một món
quà rất lớn cho những người dân nghèo nơi đây!!!
Cảm ơn các bạn vì đã
đọc bài.
Các bạn muốn góp sức cho chiến dịch mùa đông
ấm lần này xin hãy liên hệ với mình: Cao Thị Thế Anh. Sđt: 01629454758 hoặc
Nguyễn Đức Vinh: 0977194999.
Chúng mình sẽ cố gắng
chọn địa điểm và tạo điều kiện tốt nhất để các bạn có thể gửi đồ quyên góp cho
chúng mình"
Xin các bạn hãy chung
tay góp sức vì trẻ em vùng cao nghèo đói nhé,một tấm lòng nhỏ của bạn có thể
cứu được mạng sống của một con người ♥
By Thế Anh
By Thế Anh
Note:
- Kim Quan là 1 trong các xã thuộc ATK (An Toàn Khu) Tân Trào, Yên Sơn, Chiêm Hóa - Tuyên Quang. Về với Thủ đô Kháng chiến để cùng nhìn lại lịch sử hào hùng của dân tộc với rất nhiều khu di tích như Hầm an toàn của Chính Phủ, Lán và Hầm an toàn của Bác Hồ, chiến khu Tân Trào, Khu di tích Bộ Công An và nhiều bộ, ngành khác.
- Đoàn Mùa Đông Ấm Kim Quan là một trong 6 đoàn Mùa Đông Ấm do BLL Hội Đồng Hương Sinh viên Phú Thọ tại Hà Nội phát động năm 2012. Cũng như Kim Quan (YS –TQ) , Phượng Mao (Thanh Thủy –PT); Trung Sơn, Nga Hoàng (Yên Lập - PT); Thạch Kiệt (Tân Sơn – PT) và Khả Cửu (Thanh Sơn – PT) cũng đang rất cần đến tấm lòng của các bạn.
- Chi tiết về chiến dịch tại đây: http://muadongamphutho.blogspot.com/ ;
- Liên hệ BTC Toàn Chiến dịch: sinhvienphutho@gmail.com; Hồng Quân (TrưởngBTC – UV Ban liên lạc Đồng Hương Sinh viên Phú Thọ tại Hà Nội) 0987 860 693.
Hình ảnh về Kim Quan TẠI ĐÂY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét